About

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Chỗ này là chỗ mình đang ở, sáng nào mà mình đi học về , gặp chị bán rau rong là vào mua luôn. Chị ấy thồ cái xe ra to như cái công nông đầu dọc chở đi bán. Cả tuần may ra gặp chị ấy 2 buổi, giá rau chị ấy bán chỉ bằng 1/3 thâm chí 1/4 ngoài chỗ mình mua hàng ngày. Gặp là mình mua luôn cho mấy ngày liền. Tiếc là không có tủ lạnh , không là trữ cho cả tuần luôn. Dạo này chi phí cho một bữa ăn của mình gấp đôi thậm chí gấp 3 các đây 1 năm, không làm thế thì có mà móm.

(VTC  News) – Thời gian gần đây, giá rau xanh và thực phẩm đội lên từng ngày tại các chợ lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội khiến người tiêu dùng không khỏi “hoa mắt, chóng mặt”. Thế nhưng có một nghịch lý: nguồn rau các tiểu thương mua từ người nông dân vẫn "rẻ như bèo" trong khi đến tay người tiêu dùng, giá bị nâng lên ngất ngưỡng không theo bất kỳ quy định nào, chỉ với lời giải thích chung chung: “Giá xăng, điện tăng thì giá thực phẩm cũng phải tăng thôi”.

3h sáng, thời điểm hoạt động huyên náo nhất của chợ rau trên đường Lê Đức Thọ (Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là một trong những điểm trung chuyển rau xanh và thực phẩm tươi sống lớn của Hà Nội. Mặc dù, thời gian chợ đông nhất là từ 2h sáng đến bình minh, nhưng chỉ mới hơn 12 giờ đêm nhiều nông dân từ các vùng ngoại thành đã vận chuyển rau xanh vào đây để bán.


Theo quan sát của chúng tôi, đối tượng thu mua rau của người trồng từ Tây Tựu, Vân Nội đổ về chủ yếu là chủ hàng lớn đi kèm ô tô. Tuy nhiên, lực lượng “săn” hàng đông đảo nhất vẫn là các tiểu thương trên địa bàn Cầu Giấy và khu vực xung quanh.



Chợ đầu mối chỉ mới là cầu thứ hai trong chuỗi từ người trồng đến tay người tiêu dùng.


Khi chiếc xe máy chở bắp cải và cải cúc của chị Lý (Tây Tựu – Từ Liêm) vừa dừng lại tại dải phân cách trước Đại học Thương Mại, những chủ hàng lớn và các tiểu thương đã cùng nhau ào đến, nhanh chóng tiếp cận đểmua bằng được xe rau này kể cả phải tranh giành và cãi vã khi ra giá. Thoạt nhìn cảnh này, nhiều người dễ nghĩ chị Lý sẽ bán được với giá hời, nhưng đến gần mới thấy, cái giá mà những người bán buôn đưa ra có thể khiến bất cứ người nội trợ nào trong nội thành cũng phải giật mình: 1.500-2.000 đồng/kg bắp cải, 2.500 đồng/kg ngồng cải, thậm chí cải cúc chỉ 600 đồng/mớ.


Sau một lúc suy nghĩ, chị Lý vẫn quyết định bán xe rau đầy ắp cho một tiểu thương ở chợ Đồng Xa (Mai Dịch). Nhìn những bao tải rau được chuyển xe của người mua, gương mặt  chị Lý vẫn không tỏ vẻ gì hồ hởi vì bán được hàng. Chị Lý cho biết: “Đợt trước rau còn vớt vát được chút ít, đợt này hôm nào cũng bị ép giá, bắp cải hầu như chấp nhận bán 2.000 đồng/kg. Bán nhanh để về sớm còn đi làm đồng, chứ đứng lại đây một lúc nữa có khi giá chỉ còn 1.500 đồng/kg. Cải cúc họ mua ở đây chỉ 500-600 đồng/mớ, nhưng vào đến chợ, 3.000 đồng/mớ là chuyện thường”.


Cách đó không xa, anh Chung cũng vừa chuyển xong xe rau của mình từ Hải Bối (Đông Anh) cho một chủ hàng. Bần thần khi cầm trên tay gần 200.000 đồng, anh Chung cho biết: đi gần 15 km, vất vả lắm anh mới chở được hơn 50 củ su hào và 2 bao tải ngồng cải đến chợ đầu mối, nhưng bán xong cũng chỉ thu được số tiền ít ỏi này.  Anh chia sẻ: “Nếu bán tại ruộng mà ai mua số lượng ít, có khi một mớ ngồng cải còn được 5.000 đồng/kg,  nhưng khi vào chợ đầu mối họ mua nhiều lại kỳ kèo nên chỉ được 3.000 đồng/kg, hôm nào nhiều người bán, giá có khi còn 2.000 đồng/kg”.


Trong chợ đầu mối là thế nhưng ra khỏi cổng chợ, theo chân những chủ hàng mới thấy, rau xanh được làm giá vô tội vạ.


Theo chân người phụ nữ vừa mua bắp cải từ xe của một chủ vườn rau ở Tây Tựu ngay gần cầu vượt Mai Dịch, chúng tôi được biết, giá mà người phụ nữ này mua chỉ ở mức 2.500 đồng/kg, nhưng vừa ra đến vỉa hè, khi chúng tôi hỏi mua lại, người phụ nữ đã “hét” giá lên 5.000 đồng/kg.


Khi đến các chợ nội thành Hà Nội, giá rau bị đội lên đáng kể. Ảnh: Phương Hạ


Tiếp tục đóng vai người đi chợ sáng, chúng tôi tiếp cận một tiểu thương ở chợ Xanh vừa mua bắp cải ở vỉa hè bên kia đường và không khỏi giật mình khi người này ra giá bắp cải đến… 8.000 đồng/kg. Chúng tôi thắc mắc vì sao đắt như thế? chị bán hàng cau có: “Sáng sớm mua thì mua không mua thì thôi, cái gì cũng tăng giá thì rau cũng phải lên. Nếu bán rẻ hơn, thử hỏi tiền vận chuyển ai chịu cho”.


Chợ Xanh nằm cách cầu vượt Mai Dịch chưa đầy 400 mét, chỉ cần chiếc xe đạp nhỏ, người bán hàng này mất chưa đầy 5 phút đã chở được số bắp cải kia về đến quầy của mình nên dễ thấy chi phí vận chuyển mà người bán vừa giải thích là… không có.


Qua khảo sát ngay sau đó, chúng tôi nhận thấy giá một số loại rau tại các chợ Đồng Xa,  Nhà Xanh, Nghĩa Tân hầu như không mấy khác biệt. Cụ thể: bắp cải 8.000-9.000 đồng/kg, cải thảo 16.000 đồng/kg, su hào 5.000 đồng/củ loại vừa, cải cúc 2.500 đồng – 3.000 đồng/mớ, ngồng cải 8.000 đồng/kg, rau mùi 1.000 đồng/mớ, cà chua 15.000-17.000 đồng/kg...


Để biết cụ thể giá rau”đội” đến mức nào, chúng tôi tìm về Tây Tựu - nơi có diện tích trồng rau khá lớn trên địa bàn Hà Nội.


Gặp vợ chồng bác Tuấn đang phá bỏ khu đất trồng mùi để thay cải canh và su su, chúng tôi được bác cho biết: giá một mớ mùi bán cho chợ đầu mối chỉ 100 đồng, không lấy lại được vốn bỏ ra, nên phải bỏ để trồng loại khác vớt vát. Tuy nhiên, giá bán loại rau thơm này ở các chợ hiện phổ biến từ 1000 -1.500 đồng/mớ. Chỉ cần làm phép so sánh, chắc chắn người tiêu dùng sẽ không khỏi choáng váng vì luôn phải chi số tiền gấp 10-15 lần để mua những loại rau này.


Chịu thiệt thòi nhất vẫn là những người nông dân trồng rau. Ảnh minh họa.


Bác Tuấn cho biết: “Người nông dân trồng rau thường bán giá chỉ bằng 1/3 hoặc một nửa so với giá khi đến tay người tiêu dùng. Đợt ra Tết, giá rau rẻ như cho không, ngồng cải có ngày chỉ còn 800-1.000 đồng/kg, su su 500 đồng/kg”. Cũng theo lời nhiều hộ trồng rau tại Tây Tựu, đợt ra Tết giá rau rẻ nhưng người mua thì vẫn phải chịu cảnh giá Tết. Thậm chí đắt gấp đôi, gấp ba so với giá bán tại ruộng.


Trong vai người thu mua su hào số lượng lớn, khi khảo sát mức giá mua ngay tại chợ đầu mối, chúng tôi được bác Danh - người trồng rau ở xã Vân Nội, ra giá: “Nếu mua 50 củ trở lên giá 1.000 đồng/củ còn mua số lượng ít thì 5.000 đồng/3 củ”. Trong khi đó, người nội trợ đang phải bỏ ra từ 5.000 -5.500 đồng để mua 1 củ su hào tại các chợ trong nội thành.


Giá cải thảo khi bán với số lượng nhiều cho chợ đầu mối hoặc chân ruộng chỉ ở mức 6.000 đồng/kg, nhưng tại các chợ lại dao động từ 16.000 đồng -17.000 đồng/kg, đắt gần gấp 3 so với giá ban đầu.


Chị Loan, người trồng cải thảo ở làng Đăm (Tây Tựu) cho biết: “Mua số lượng ít thì cũng phải 8.000 đồng/kg nhưng nếu bán cho dân buôn, họ mặc cả bằng được 5.000- 6.000 đồng/kg. Sau đó còn qua 2-3 trung gian nữa mới đến người mua trong nội thành nên họ cứ đổ cho giá vận chuyển. Có khi ế họ thà đổ đi chứ chẳng bán rẻ đâu vì tiền lãi cũng đủ bù lại khoản tiền kia rồi”.


Thành Công

0 nhận xét:

Đăng nhận xét