Trước vấn nạn gian lận trong thương mại điện tử (TMĐT) đang gia tăng nhanh chóng, người tiêu dùng cần phải được bảo vệ và được nâng cao nhận thức về việc tự bảo vệ trong môi trường trực tuyến.
Vẫn “sợ”, vì sao?
Tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” do Bộ Công thương tổ chức ngày 30/11/2010 tại Hà Nội, bà Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (Cục quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương) cho biết, lợi ích từ TMĐT rất lớn, cho phép phạm vi giao dịch mở rộng toàn cầu, xoá bỏ trung gian trong quá trình phân phối hàng hoá, tiết kiệm thời gian, chi phí… Tuy nhiên, bà Nga cũng nhấn mạnh, trước thực trạng gian lận TMĐT đang gia tăng nhanh chóng, quảng cáo quấy rối người tiêu dùng như vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn mạo danh lừa đảo khuyến mại, trúng thưởng… đang là những nguyên nhân khiến cho nhiều người chưa đặt niềm tin vào TMĐT. “Hiện nay có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng sau khi chuyển tiền qua mạng cho người bán nhưng bị lừa, không nhận được hàng hoặc nhận được hàng kém chất lượng, không đúng nội dung đã thoả thuận trước đó”, bà Nga nhấn mạnh.
Tại hội thảo, ý kiến của các chuyên gia kinh doanh trực tuyến đều cho rằng, TMĐT là cách thức kinh doanh mới với những nguyên tắc và luật lệ riêng, khác với kinh doanh truyền thống. Chính vì thế, hiện nay người tham gia giao dịch thường không mặn mà với TMĐT do chưa yên tâm về người bán, lo lắng về chất lượng, sợ bị tiết lộ thông tin cá nhân hoặc nhận thấy giá cả chưa hấp dẫn.
Một nguyên nhân cũng khiến cho gia tăng nguy cơ rủi ro cho người tham gia TMĐT chính là bị website bán hàng “hút hồn” về giá. Trao đổi cụ thể về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hoàng Hải – Trưởng văn phòng luật NG Hoàng Hải & Cộng sự cho rằng: Có một thực tế là hiện nay nhiều website TMĐT uy tín bán sản phẩm với giá cao, trong khi một web ít tên tuổi hơn lại đưa ra giá rẻ cho sản phẩm cùng loại. Thực tế này khiến cho người tiêu dùng trong nước với tâm lý… tiết kiệm tối đa đã “nhắm mắt” lựa chọn mạng nhỏ cho dù các điều kiện liên quan đến đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo hành… không tốt bằng.
Ràng buộc trách nhiệm bằng thẻ tín dụng
Giá trị giao dịch TMĐT online chỉ chiếm khoảng 0,3-0,4 tổng tiêu dùng quốc nội trong con số 30 triệu người truy cập Internet tại Việt Nam (số liệu do Trung tâm Internet Việt Nam cung cấp – PV) là một con số quá ít ỏi. Ông Nguyễn Ngọc Điệp – TGĐ công ty Cổ phần Vật giá dự báo, trong khoảng 5 năm nữa, khi số lượng người dùng Internet tại Việt Nam sẽ tăng lên 40 triệu thì giá trị giao dịch MTĐT online sẽ được “đẩy” lên mức 2 - 4% tổng tiêu dùng quốc nội.
Tuy nhiên đó chỉ là một con số lý thuyết, còn trong thực tế 5 năm tới, TMĐT Việt Nam phát triển nhanh hay chậm thì còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách bảo hộ của Nhà nước, sự tham gia của các doanh nghiệp TMĐT và hơn hết là tâm lý của người tiêu dùng đối với TMĐT trong nước có hết… bất an hay không.
Trao đổi cụ thể về các biện pháp nhằm hạn chế tối đa rủi ro khi tham gia TMĐT, bà Nga khuyến cáo: Bên cạnh những tác động của nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, để hạn chế rủi ro, người tham gia giao dịch TMĐT cần lựa chọn địa chỉ website bán hàng với thương hiệu uy tín, có địa chỉ đăng ký và liên lạc rõ ràng, được cộng đồng người tiêu dùng đánh giá tốt. Cần tham khảo kỹ năng các điều khoản sử dụng website, chính sách mua hàng, thanh toán, vận chuyển cũng như chính sách hoàn trả, bảo hành, chính sách giải quyết khiếu nại, thắc mắc.
Theo bà Nga, một website tốt sẽ cung cấp đầy đủ và dễ dàng các thông tin trên cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng là cần xác định rõ mức chi phí mua bán, nên so sánh giá bán, phí vận chuyển tại nhiều website khác nhau, kiểm tra lại giá trị thanh toán, địa chỉ giao hàng, tên người được thụ hưởng thanh toán…
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cảnh báo đến thực tế nhiều người cho tới nay vẫn dễ bị mắc lừa do chưa có kinh nghiệm nên sau khi thanh toán vẫn cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận. Chính vì vậy, cảnh báo được đưa ra là tuyệt đối không trả lời bất kỳ một e-mail hay hình thức yêu cầu cung cấp thông tin tài chính, cá nhân nào. Cùng đó, cũng cần kiểm tra thông tin tài khoản ngân hàng để biết chính xác số tiền đã được thanh toán.
Trên phương diện văn bản pháp lý của Nhà nước, bà Nga cho biết với sự nỗ lực chung của nhà nước, hiện hệ thống chính sách, pháp luật về TMĐT ngày càng được hoàn thiện diện với Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật CNTT năm 2006… Mới đây nhất, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được thông qua ngày 17/11/2010 (đến 1/7/2011 sẽ chính thức có hiệu lực). “Luật quy định rõ về quyền của người tiêu dùng, bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ…, sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa hoạt động giao dịch TMĐT tại Việt Nam”, bà Nga cho biết.
Đi tìm giải pháp hạn chế rủi ro trong giao dịch TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Điệp nhận định: Do giao dịch online với thẻ tín dụng chưa nhiều, nên phần lớn website TMĐT tại Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ… rao vặt, chưa được đầu tư nhiều nên tính năng còn sơ sài, độ an toàn thấp... Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến cho việc rao bán và mua hàng ảo vẫn phổ biến là do các website chưa có chính sách ràng buộc người mua và người bán bằng thẻ tín dụng (như trên eBay).
Tại nhiều quốc gia như Mỹ, trách nhiệm và hành vi của cả người mua và bán đều bị ràng buộc rất chặt chẽ bằng thẻ tín dụng. Khi tham gia vào TMĐT, cả hai bên đều phải đặt trước một số tiền nhất định với tổ chức sở hữu website TMĐT. Nếu người đăng tin rao bán lại không có hàng hoá theo đúng như cam kết hay người mua đã đặt hàng nhưng lại không mua sẽ đều bị trừ tiền tài khoản. “Đây là một trong những giải pháp giúp hạn chế được vấn nạn rao bán hoặc mua hàng ảo hiệu quả Việt Nam nên áp dụng”, ông Điệp nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (Cục quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương) cho rằng: “Người tiêu dùng cần phải được bảo vệ bằng pháp luật và các cơ chế giải quyết tranh chấp, cần nâng cao nhận thức về việc bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường trực tuyến”.
theo ICT news
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 144 ra ngày 1/12/2010.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét